Thứ Ba, 26 tháng 8, 2008

Công ty "PR" lấn truyền hình!

Không dừng lại ở hợp tác sản xuất trò chơi truyền hình, các phim truyền hình dài tập, được ưu ái phát sóng vào "giờ Vàng cho phim Việt" cùng các chương trình TH cũng được các Cty PR lớn thực tình ưu ái. Phim "ra lò" phải chịu "búa rìu dư luận" khá nhiều, nhưng không thể phủ nhận những Vòng xoáy tình yêu, Ảo ảnh tình yêu, Sóng gió cuộc đời... vẫn hút khách. Rating cao, lượng spot 30 giây quảng cáo tăng khá nhanh. Không có gì lạ khi sau "mốt" mua kịch bản nước ngoài về "Việt hóa" bị phản đối dữ dội, Lasta vẫn tiếp tục cho ra lò hàng loạt đầu phim thể loại "opera xà phòng". Thêm vào đó, hãng cũng kết hợp với nhà Đài thực hiện các chương trình TH khác như Chuyện không của riêng ai, Phim Việt cuối tuần...

Có thể nói, Lasta (một Cty con của Kantana- tập đoàn truyền thông lớn nhất Thái Lan) đã làm nên một hiện tượng trong làng sản xuất chương trình truyền hình VN. Phim nào ra lò cũng bị báo chí "đánh tơi tả" vì chất lượng nghệ thuật yếu kém, câu chuyện thiếu chân thực, đời sống nhân vật khiên cưỡng, không thuyết phục được người xem. Chê cứ việc chê, phim của Lasta vẫn đạt rating cao ngất ngưởng. Và hợp đồng 1 năm phát sóng trong giờ vàng phim Việt trên Đài TH TP HCM kết thúc, Lasta vẫn được tiếp tục gia hạn bản hợp đồng, chứ không hề bị loại khỏi cuộc chơi như phỏng đoán.

BHD, ngoài những gameshow hàng đầu còn lấn sang địa hạt màu mỡ này bằng các chưong trình cả ăn khách lẫn sang trọng như Ca nhạc quốc tế MTV và Người đương thời. Tuy có truyền thống hợp tác và tự sản xuất khá nhiều phim điện ảnh nhưng hãng vẫn không bỏ trống lĩnh vực phim TH, bằng nỗ lực sản xuất Linh lan trắng. 30 tập phim là sản phẩm hợp tác với TFS, lấy ý tưỏng từ 2 câu chuyện cổ tích Tấm Cám và Cô bé Lọ Lem, do nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc chấp bút. Phim có sự góp mặt của đạo diễn trẻ Bùi Tuấn Dũng, người đã từng đoạt giải thưởng Hội ĐAVN cho cả hai thể loại: phim điện ảnh và phim TH.

Hiện Hãng phim Việt của BHD, với Giám đốc Nguyễn Phan Quang Bình và Phó GĐ - DV Ngọc Hiệp đang vô cùng bận rộn với tốc độ sản xuất trung bình 2 phim truyện nhựa và 200 giờ phim TH trong một năm. Hãng cũng vừa khởi động dự án Cô gái xấu xí (chuyển thể từ Betty La Fea, series TH ăn khách của Columbia). Đây cũng là tác phẩm đầu tiên mở màn cho chủ trương xã hội hóa sản xuất phim TH của Đài THVN. Với sự góp mặt của một đội ngũ làm phim "sừng sỏ": đạo diễn Minh Chung, quay phim Nguyễn Tranh - K'Linh, diễn viên chính Ngọc Hiệp..., phần 1 (gồm 84 tập) trong tổng số 169 tập sẽ được thực hiện trong hai năm và lên sóng VTV1 trong thời gian tới.

Đông Tây Promotion có các chương trình Thời trang và cuộc sống, VTV Bài hát tôi yêu, Sao Mai điểm hẹn, Sao Mai 2005...

Ngoài những đại gia kể trên, ta cũng không thể quên những M&T Picture (các phim nhiều tập Ghen, Hoa dã quỳ, Tôi là ngôi sao... kết hợp với TFS), HK Film với Tuyết miền nhiệt đới, Vifa (100 tập Mùi ngò gai, 60 tập Ký túc xá... kết hợp với TFS và Đài TP HCM), Đông A Film (25 tập Những chàng trai đa cảm, kết hợp với VTV)... Họ, với những nỗ lực không mệt mỏi, đang góp phần refresh, thổi một luồng gió lạ cho các kênh TH. Bên cạnh cái "danh lợi" bề nổi mà họ gặt hái được, công chúng cũng là đối tượng được hưởng lợi rất nhiều, được có cơ hội thưởng thức những món ăn đa dạng, mang khẩu vị đặc trưng của nhiều vùng miền, châu lục trên thế giới. Có thể hợp gu, có thể chỉ dừng ở mức lạ miệng nhưng nỗ lực ấy của các đơn vị tư nhân cần được nhìn nhận và đánh giá một cách công tâm.

Dư luận thì luôn đa chiều, nhưng phải nhìn thẳng vào thực tế, rằng các Cty có chức năng sản xuất phim dài tập và các chương trình truyền hình đang trở thành một phần tất yếu, trong sự phát triển như vũ bão của TH - phương tiện truyền thông có quyền năng và tầm ảnh hưởng bậc nhất tại VN hôm nay.

(Theo DDDN)

Không có nhận xét nào: