Chủ Nhật, 24 tháng 8, 2008

Cẩm nang truyền thông (P. II)

PHỎNG VẤN

Dù phương tiện thông tin là gì (đài, báo hay tivi), dù người phỏng vấn là ai, thì nguyên tắc cơ bản vẫn là bạn phải luôn kiểm soát được tình huống phỏng vấn.

Hãy thu thập mọi thông tin bạn có được khi lập chiến lược về phương tiện thông tin, và hãy kiểm tra lại những yếu tố quan trọng trước khi tiến hành phỏng vấn. Hãy nghĩ xem mình muốn đạt được điều gì thông qua cuộc phỏng vấn. Hãy nghĩ xem ai sẽ đọc/nghe/xem chương trình của bạn. Bạn cần phải hiểu về từng loại hình phỏng vấn đối với các phương tiện thông tin khác nhau. Hãy nhớ rằng mặc dù bạn sẽ chuẩn bị cho một cuộc phỏng vấn trên tivi khác với cách bạn chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn trên đài, nhưng vấn đề mấu chốt vẫn là phải chuẩn bị trước.

Vấn đề mà mọi người chuẩn bị cho một cuộc phỏng vấn thường gặp phải là tâm lý hồi hộp, lo lắng. Có nhiều cách bạn có thể sử dụng để cảm thấy thoải mái hơn, đỡ lo lắng hơn, nhưng bạn cũng đừng nghĩ rằng chúng sẽ giúp bạn hoàn toàn thoát khỏi tâm trạng đó. Cách tốt nhất để thoát khỏi tâm lý này là chuẩn bị kỹ lưỡng. Ngoài ra, hãy luyện cách nói về mục đích của mình một cách sinh động, hay sử dụng những phép so sánh dí dỏm, ngôn ngữ sinh động, những ví dụ và minh họa bất ngờ, hay những số liệu không phức tạp. Bạn nên cân nhắc những cách khác nhau để nhấn mạnh được những điểm quan trọng nhất mà bạn muốn nói, để tránh sự hiểu nhầm về mục đích của bạn, và để làm rõ quan điểm của bạn đối với vấn đề trong tương lai. Một điều nên tránh là đừng để cho tâm lý hồi hộp khiến bạn không thực sự tham gia được vào cuộc phỏng vấn.

Bà Abla Al-Nowais, tổng biên tập của tờ Zahrat Al-Khaleej, đã viết một bài báo nhan đề “Các qui tắc vàng khi làm việc với giới thông tấn báo chí”. Trong số những điểm hữu ích mà bà nêu ra có những qui tắc như:

  • Cần phải tự tin khi làm việc với giới báo… Đừng rụt rè hay lưỡng lự.
  • Chú ý đừng mắc bẫy của phóng viên. Một số phóng viên sẽ cố tình làm bạn mất bình tĩnh và khiến bạn đưa ra những câu nói trái ngược nhau. Đừng để bị lung lay một cách dễ dàng, hãy giữ mình thật điềm tĩnh.
  • Qui tắc vàng khi trả lời phỏng vấn là “nói sự thật”. Theo kinh nghiệm của tôi trong lĩnh vực này, tôi có thể cam đoan với bạn rằng nói “không” tốt hơn nhiều so với nói dối, dù chỉ là một lời nói dối nhỏ nhặt.

Để chuẩn bị kỹ càng hơn, sau đây là những điều bạn nên chú ý khi nhận lời phỏng vấn:

  • Ngày giờ của cuộc phỏng vấn là khi nào?
  • Cuộc phỏng vấn sẽ được tiến hành ở đâu? Hãy đảm bảo là bạn có được những chỉ đường chính xác nếu bạn không biết rõ lắm về chỗ phỏng vấn. Hãy hỏi xem bạn có cần phải đem giấy vào cửa hay kiểm tra an ninh không.
  • Họ tên đầy đủ của người phỏng vấn là gì? Nếu bạn không biết người phỏng vấn, hãy cố gắng nghe một chương trình hay đọc những bài báo của phóng viên đó. Việc làm quen với cách thiết kế chương trình và phong cách của phóng viên phỏng vấn bạn là rất quan trọng.
  • Người ta chờ đợi điều gì ở bạn? Tại sao bạn lại được chọn trả lời phỏng vấn?
  • Cuộc phỏng vấn sẽ được truyền trực tiếp hay ghi âm? Khi nào thì cuộc phỏng vấn sẽ được phát thanh hay truyền hình?
  • Bạn sẽ trả lời phỏng vấn một mình hay cùng với nhiều người khác? Sẽ có bao nhiêu người cùng trả lời phỏng vấn với bạn? Nếu nhiều người cùng trả lời phỏng vấn, những khách mời kia là ai? Cách thức tiến hành sẽ như thế nào? Mỗi người sẽ được phép nói trong bao lâu?
  • Cuộc phỏng vấn sẽ kéo dài bao lâu?
  • Hãy nói rõ cách viết tên của bạn, và bạn muốn tên tổ chức của bạn được nêu như thế nào trên đài phát thanh hay nếu là trên tivi thì hiện lên màn hình như thế nào.
  • Những qui tắc vàng là gì? Hầu hết các cuộc phỏng vấn sẽ được ghi chép và lưu giữ. Bạn trả lời phỏng vấn vì bạn muốn dùng đài báo như một kênh dẫn bạn đến với công chúng. Bạn muốn đài báo dẫn trích lời của bạn hay của đồng nghiệp bạn, và sử dụng những thông tin bạn cung cấp. Nhưng còn có những loại phỏng vấn khác và những loại này lại có qui tắc riêng của chúng.

-- Cuộc phỏng vấn được nêu đích danh người phỏng vấn. Bất cứ điều gì bạn nói với phóng viên có thể sẽ được công bố và nêu đích danh người trả lời phỏng vấn. Cho đến nay đây là cách để bạn đến với công chúng nhanh nhất.

-- Cuộc phỏng vấn trích dẫn nguồn gián tiếp. Những gì bạn nói với phóng viên có thể sẽ được công bố, nhưng sẽ chỉ nêu nguồn tin theo cách mà bạn và họ đã thống nhất với nhau từ trước, ví dụ như “theo lời một phát ngôn viên chính thức của…, một nguồn đáng tin cậy”, “một chuyên gia trong lĩnh vực này cho biết…” .v.v. Cách này thường được sử dụng nếu lợi ích của tổ chức mà người trả lời phỏng vấn đại diện cho có thể bị tổn hại nếu trích dẫn trực tiếp.

-- Cuộc phỏng vấn không trích nguồn. Những điều bạn nói có thể sẽ được công bố, nhưng không trích dẫn nguồn dưới bất kỳ hình thức nào. Thông tin bạn đưa ra có thể xuất hiện dưới dạng một kết luận do phóng viên rút ra sau khi tìm hiểu tình hình. Hình thức này chỉ nên được sử dụng khi hình thức trích nguồn gián tiếp cũng khiến người nghe đài hay xem truyền hình nhận ngay ra ai là người trả lời phỏng vấn và khiến uy tín của tổ chức bị tổn hại nghiêm trọng, vì nó gây một khó khăn lớn cho phóng viên.

-- Phỏng vấn không được nêu đích danh người phỏng vấn. Qui tắc này thường bị sử dụng sai mục đích, có nghĩa là phóng viên sẽ nhận thông tin nhưng không được phép công bố dưới bất kỳ hình thức nào. Hình thức này chỉ được sử dụng trong những trường hợp khẩn cấp liên quan đến lợi ích của những người tham gia phỏng vấn hay những người khác là chủ đề cho cuộc phỏng vấn. Hình thức này không nên sử dụng trong những hoàn cảnh khác bởi vì nếu sử dụng nó sẽ là một gánh nặng đối với cả phóng viên lẫn người trả lời phỏng vấn.

Hình thức phỏng vấn được ghi chép và lưu giữ cho đến nay vẫn là hình thức tốt nhất. Những hướng dẫn khác chỉ là những dòng tốc ký tiện cho công việc của phóng viên và những người làm việc trong những lĩnh vực nhạy cảm về chính trị, kinh tế hay thực thi pháp luật.

Lời khuyên tốt nhất là hãy tránh đừng phụ thuộc vào những dòng tốc ký này; mỗi nền văn hóa và mỗi phóng viên lại có cách hiểu khác nhau. Nếu bạn không thể trả lời phỏng vấn một cách chính thức, hãy nói chuyện với phóng viên và thỏa thuận cụ thể về cách trích dẫn sau này trước khi bắt đầu cuộc phỏng vấn.

Hãy nhớ rằng sau này bạn và phóng viên có thể sẽ lại làm việc cùng nhau, và bạn và họ đều có lợi về chuyên môn nếu bài báo hay chương trình phát thanh truyền hình có chất lượng tốt và biểu đạt được điều bạn muốn nói.

TÔI NÊN CHUẨN BỊ CHO CUỘC PHỎNG VẤN NHƯ THẾ NÀO?

Hãy viết ra một cuộc phỏng vấn lý tưởng. Cuộc phỏng vấn có thể chỉ dự định kéo dài vài giây, hoặc năm phút, hoặc dài hơn. Hãy chọn ra ba điểm quan trọng nhất mà bạn muốn nói. Đây sẽ là những “hòn đảo an toàn” của bạn, chỗ bạn sẽ quay lại nhiều lần trong suốt cuộc phỏng vấn. Dù cuộc phỏng vấn kéo dài bao lâu, bạn cũng không nên đề cập đến quá ba điểm chính trong bất kỳ một cuộc phỏng vấn nào.

LUYỆN TẬP, LUYỆN TẬP, LUYỆN TẬP

Một lần nữa, bạn hãy viết ra ba điểm tích cực mà bạn muốn nêu trong cuộc phỏng vấn. Hãy chuẩn bị một ví dụ hay một câu chuyện ngắn gọn để minh họa cho từng điểm. Hãy dùng càng ít con số càng tốt. Mọi người thường dễ dàng cảm thấy nhàm chán khi phải nghe đến các con số thống kê; tuy nhiên, việc nêu ra những thực tế của vấn đề là vô cùng quan trọng.

Barbara d’Achille, một phóng viên và một người vận động tích cực cho bảo vệ môi trường đã sống ở Peru nhiều năm đã có lần nói:

Dư luận không thể bị xuyên tạc mà không bị thất thiệt; do đó, điều quan trọng là phải cung cấp thông tin chính xác, đúng đắn về mặt khoa học và không bị thổi phồng. Khi những người đóng giầy, những người làm vườn, những người bán thịt, những người bán bánh mì và những phụ nữ nội trợ hiểu được… thì lúc đó chúng ta sẽ tạo được dư luận rộng rãi buộc chính phủ phải ban hành chính sách bảo vệ môi trường.

Dù vấn đề bạn đang nói đến là gì thì bạn cũng phải học cách nói về vấn đề đó một cách hiệu quả. Hãy học cách nhấn mạnh những điểm quan trọng. Hãy học ví dụ hay những câu chuyện minh họa. Không được ghi chú. Bạn nên thực hành với một đồng nghiệp đóng vai người phỏng vấn. Nếu bạn biết được về cách tiến hành phỏng vấn của phóng viên, hãy áp dụng nó khi thực hành. Hãy thực hành trả lời tất cả các câu người ta có thể sẽ hỏi bạn. KHÔNG ĐƯỢC GHI CHÚ. Tuy nhiên, hãy cố gắng sao cho thật tự nhiên!

TÔI CẦN BIẾT NHỮNG GÌ VỀ CÁC CUỘC PHỎNG VẤN TRÊN TRUYỀN HÌNH?

Hãy luôn nhìn thẳng vào mắt người phỏng vấn. Đừng nhìn vào máy quay hay màn hình. Đừng lo lắng về chiếc máy quay. Đã có người chuyên môn chịu trách nhiệm về nó - bạn không cần phải bận tâm về nó. Hãy cố đừng nhìn ra chỗ khác khi bạn đang suy nghĩ để tìm câu trả lời. Hãy luôn nhìn vào mắt người phỏng vấn bạn.

TÔI NÊN NHÌN ĐI ĐÂU NẾU TÔI Ở TRONG TRƯỜNG QUAY VÀ TRẢ LỜI PHỎNG VẤN QUA VỆ TINH (CẦU TRUYỀN HÌNH)?

Các cuộc phỏng vấn qua cầu truyền hình khác với những cuộc phỏng vấn trực tiếp với phóng viên. Nếu bạn đang ngồi trong trường quay để trả lời phỏng vấn của một phóng viên đang ngồi ở một trường quay khác, bạn nên NHÌN THẲNG VÀO MÁY QUAY. Trong trường hợp này, máy quay chính là người bạn đang đối thoại. Ngay cả nếu người phỏng vấn bạn đang ở một nước khác, bạn cũng nên hình dung là người đó là chiếc máy quay ở trước mặt bạn.

Điều này thường khiến bạn không thoải mái trong cuộc phỏng vấn lần đầu tiên – nhưng đừng để nó cản trở bạn! Mọi thứ khác đều giống như phỏng vấn bình thường – chỉ khác là người phỏng vấn không ngồi ngay trước mặt bạn mà thôi. Hãy tưởng tượng chiếc máy quay trước mặt bạn là một bộ mặt thân thiện, tươi cười!

TÔI PHẢI BẮT ĐẦU NHƯ THẾ NÀO?

Hãy bắt đầu với ba điểm chính mà bạn muốn nói. Trong hầu hết các trường hợp, bạn sẽ có vài phút trước cuộc phỏng vấn để nói chuyện với phóng viên. Để họ hiểu rõ bạn hơn, bạn có thể gửi một vài thông tin đến trước khi phỏng vấn. Điều quan trọng nhất là hãy đảm bảo rằng câu trả lời đầu tiên của bạn nêu được một trong ba điểm quan trọng mà bạn muốn đề cập đến trong cuộc phỏng vấn.

PHẢI LÀM GÌ NẾU NGƯỜI PHỎNG VẤN CỨ ĐI LẠC KHỎI VẤN ĐỀ MÀ TÔI MUỐN NÊU?

Hãy lịch sự, nhưng hãy kiên định hướng cuộc nói chuyện trở về những điểm mà bạn muốn nêu bằng cách dùng những “cầu nối”, bắt đầu câu trả lời của bạn bằng cách nói “ồ, tôi nghĩ rằng vấn đề thực sự là...” và sau đó nêu ra một trong những điểm mà bạn muốn nói. Những câu nói sau là những “cầu nối” hữu ích giúp bạn có cơ hội nêu được những vấn đề mình muốn.

  • Tôi muốn nói thêm rằng ...
  • Nguời ta thường hỏi tôi rằng ...
  • Đó không phải là lĩnh vực chuyên môn của tôi, nhưng tôi cũng biết rằng ....
  • Tôi nghĩ vấn đề quan trọng nhất là ...

PHẢI LÀM GÌ NẾU PHÓNG VIÊN HỎI TÔI MỘT CÂU MÀ TÔI KHÔNG MUỐN TRẢ LỜI?

Hãy quay lại “hòn đảo an toàn” của bạn. Hãy dùng một câu chuyện để minh họa cho một trong ba điểm mà bạn đã chuẩn bị từ trước. Các câu chuyện thường dễ nhớ hơn. Hãy nghĩ về những cuộc phỏng vấn mà bạn đã nghe và có thể bạn sẽ nhớ ra một câu chuyện để minh họa cho điều bạn muốn nói.

PHẢI LÀM GÌ NẾU NGƯỜI PHỎNG VẤN HỎI MỘT CÂU TIÊU CỰC?

Đừng bắt chước thái độ tiêu cực đó! Nhiệm vụ của bạn là nêu bật được ba điểm quan trọng. Đừng tự ái hay bảo thủ. Hãy nhanh chóng đính chính những thông tin sai lệch và sau đó nêu ra một trong những điểm tích cực mà bạn muốn nói. HÃY TỎ THÁI ĐỘ TÍCH CỰC. Nếu người phỏng vấn nói một câu chỉ trích gay gắt, bạn có thể nói “Anh hỏi tôi câu đó là tốt, nhiều người cũng quan niệm sai lệch như vậy, nhưng sự thật là ...” và sau đó hãy quay lại “hòn đảo an toàn” của bạn.

Đây là lúc việc thực hành trước trở nên quan trọng. Hãy nhớ rằng bạn sẽ phải tập dượt một vài câu hỏi tiêu cực và khó, và bạn nên có sẵn câu trả lời. Xin nhắc lại là hãy TỎ RA TÍCH CỰC.

PHẢI LÀM GÌ NẾU PHÓNG VIÊN CỨ NGẮT LỜI TÔI BẰNG CÁC CÂU HỎI?

Hãy cứ để cho họ ngắt lời. Bạn có thể nói “anh đã hỏi tôi vài câu”, và sau đó hãy chọn câu hỏi nào bạn muốn trả lời và nêu ra điều mà bạn cho là quan trọng. Nếu những câu phóng viên ngắt lời bạn đi lệch những điều bạn đang nói và bạn muốn hướng cuộc đối thoại quay trở lại đúng trọng tâm, bạn có thể nói “như tôi đã nói” và sau đó tiếp tục câu trả lời với những điểm quan trọng của bạn.

PHẢI LÀM GÌ NẾU HAI BÊN IM LẶNG MỘT LÚC LÂU?

Hãy cứ giữ im lặng. Đừng tự nhiên đưa ra những thông tin không cần thiết. Chớ nên sợ sự im lặng. Người phỏng vấn sẽ lo việc đó. Trong một cuộc phỏng vấn mang tính chất hơi đối đầu một chút, sự im lặng thường là cách người phỏng vấn sử dụng để người trả lời phỏng vấn phải tự tiết lộ thêm thông tin.

PHẢI LÀM GÌ NẾU TÔI ĐƯỢC YÊU CẦU NÓI NHIỀU HƠN NHỮNG GÌ TÔI MUỐN NÓI?

Hãy quay trở lại “hòn đảo an toàn” của bạn. Những điều bạn muốn nói đủ quan trọng để bạn phân tích kỹ hơn và nhắc lại với những câu chuyện hay ví dụ khác đi để minh họa cho điều bạn nói.

PHẢI LÀM GÌ NẾU TÔI KHÔNG BIẾT CÂU TRẢ LỜI?

Hãy thành thực. Nếu bạn không biết câu trả lời, hãy nói như vậy “Tôi rất tiếc, nhưng tôi không có thông tin đó, nhưng tôi sẽ rất vui được trả lời anh sau”. Khi bạn nói như vậy, hãy đảm bảo rằng sau này bạn sẽ cung cấp thông tin cho người phỏng vấn như đã hứa.

CÂU TRẢ LỜI NÊN DÀI BAO NHIÊU?

Câu trả lời của bạn nên ngắn gọn, khoảng 20 giây. Tuy nhiên, câu trả lời trên đài phát thanh có thể ngắn hơn, và nếu in báo thì có thể dài hơn.

THẾ CÒN NGOẠI HÌNH VÀ GIỌNG NÓI CỦA TÔI (CHO ĐÀI VÀ TIVI)?

Hơn 90% giao tiếp là không dùng lời nói, bởi vậy ngoại hình và giọng nói của bạn là rất quan trọng. Hãy tỏ ra nhiệt tình và sôi nổi. Cả đài và tivi đều có khuynh hướng làm người ta trở nên “nhạt nhẽo”, tức là làm người ta có vẻ ít thú vị hơn và tẻ nhạt hơn – vì vậy hãy hứng thú với điều bạn đang nói. Sẽ rất có ích nếu bạn quay video và ghi âm giọng nói khi bạn tập dượt. Có thể bạn sẽ nhận thấy rằng bạn phải hơi “lên gân” để thể hiện cảm nghĩ của mình khi trả lời phỏng vấn trên truyền hình. Nếu cuộc phỏng vấn được chiếu trên tivi, bạn nên theo một số hướng dẫn đơn giản sau đây:

  • Hãy mặc quần áo theo cùng một tông màu, màu sáng nhưng đừng trắng toát.
  • Đừng mặc những loại vải sặc sỡ hay chất liệu bóng.
  • Đừng đeo quá nhiều nữ trang.
  • Hãy soi gương trước khi đi đến nơi phỏng vấn.

NHỮNG PHÚT ĐẦU TRONG TRƯỜNG QUAY SẼ NHƯ THẾ NÀO?

Một kỹ thuật viên âm thanh thường sẽ yêu cầu bạn nói thử để kiểm tra chắc chắn là micro đặt như vậy là vừa. Để thử giọng, hãy nói tên của bạn, đánh vần tên họ của bạn, tên cơ quan của bạn, chức vụ của bạn nếu có, và chủ đề cho cuộc phỏng vấn. Đây là những thông tin hết sức quan trọng và để họ phát âm đúng tên bạn và tên cơ quan của bạn.

TÔI CÓ THỂ NÓI ĐIỀU GÌ ĐÓ VỚI PHÓNG VIÊN VÀ HI VỌNG ANH TA SẼ KHÔNG SỬ DỤNG THÔNG TIN ĐÓ KHÔNG?

Đừng bao giờ làm điều đó. Hãy luôn nghĩ rằng micro hay máy ghi âm đang bật. Hãy luôn nghĩ như vậy. Nhiều người nổi tiếng đã phải xấu hổ vì những lời họ nói khi tưởng là micro đã tắt. Hãy nghĩ rằng bất kỳ điều gì bạn nói với phóng viên ở bất kỳ lúc nào cũng có thể bị đem ra sử dụng. Và đừng bao giờ nói “tôi không có ý kiến gì”, bởi vì điều đó thường gây một ấn tượng là bạn có điều gì đó muốn giấu. Phóng viên luôn luôn làm việc và không có gì là “không chính thức” - trừ phi bạn đã nói rõ điều này với anh ta. Đừng bao giờ nói bất kỳ điều gì bạn không muốn đọc thấy trên báo hay nghe thấy trên đài hay tivi.

TIN TRÊN ĐÀI VÀ CÁC CUỘC PHỎNG VẤN

Ở nhiều nước, đài phát thanh là cách tốt nhất để đến với công chúng. Ở những cộng đồng mà ít nhất 50% dân số (trong đó phụ nữ chiếm 60%) không biết đọc biết viết thì sử dụng báo chí là không hiệu quả. Ngoài ra, tivi cũng chỉ có ở thành phố lớn; do đó sử dụng tivi cũng không hiệu quả.

Những bài phát biểu trước công chúng là có hiệu quả, nhưng chỉ khi diễn giả hiểu rõ về trình độ học vấn, nhận thức về kinh tế văn hóa và những khác biệt trong tập quán của địa phương.

Theo ước tính, 15% người Mỹ nhận tin tức thông qua đài phát thanh. Những cuộc“đối thoại” trên đài đang trở thành một công cụ ngày càng phổ biến cho các cá nhân để bày tỏ quan điểm về chính trị hay xã hội của mình. Hầu hết các đài phát thanh đều có những chương trình tin tức vào các thời gian khác nhau trong ngày. Nhiều đài phát thanh lấy thông tin từ những tập đoàn tin tức lớn, và những đài phát thanh qui mô hơn thì có bộ phận lấy tin riêng. Việc bạn nghe đài như thế nào phụ thuộc vào cấu trúc và cách thức phát sóng của từng đài phát thanh.

Bạn có thể trực tiếp gọi điện để cung cấp tin. Bạn cũng có thể gọi điện đến đài trong chương trình “đối thoại” và đưa ra quan điểm của mình. Một số đài phát thanh nhỏ hơn còn thực hiện các cuộc phỏng vấn ngay trong phòng ghi âm của họ. Hãy tìm hiểu về đài phát thanh ở khu bạn sống để quyết định xem bạn tiếp cận cách nào là tốt nhất.

PHỎNG VẤN TRÊN ĐÀI VÀ TRÊN TIVI CÓ SỬ DỤNG NHỮNG CÔNG CỤ GIỐNG NHAU KHÔNG?

Có. Nhưng cách diễn đạt và nội dung những điều bạn nói còn quan trọng hơn khi người ta không trông thấy hình của bạn.

PHẢI LÀM GÌ NẾU TÔI NHẬN ĐƯỢC MỘT CÚ ĐIỆN THOẠI BẤT NGỜ CỦA PHÓNG VIÊN VÀ ANH TA MUỐN PHỎNG VẤN TÔI NGAY LẬP TỨC QUA ĐIỆN THOẠI?

Hãy hỏi tên anh ta, số điện thoại và thời hạn phải trả lời, và hỏi xem liệu bạn có thể gọi lại cho anh ta sau vài phút được không. Hãy tự soạn ra câu trả lời. Hãy nghĩ về ba điểm quan trọng tích cực bạn muốn nói. Hãy thực tập cuộc phỏng vấn bằng cách nói to lên. Hãy nhanh chóng tìm hiểu về phóng viên, về tổ chức tin tức và về thính giả mà bạn đang nhắm đến nếu có thể. Sau đó hãy thoải mái và gọi lại cho phóng viên.

PHẢI LÀM GÌ NẾU TÔI PHẢI SỬ DỤNG ĐẾN NHỮNG THUẬT NGỮ VÀ CON SỐ THỐNG KÊ CHUYÊN MÔN TRONG CÂU TRẢ LỜI?

Hãy cố gắng sử dụng càng ít con số thống kê càng tốt. Thay vào đó, hãy sử dụng lối nói thật tượng hình. Nếu bạn nghe thấy ai đó nói “rộng khoảng bằng một cái sân bóng đá”, thì bạn sẽ có ấn tượng tốt hơn là nghe nói “rộng khoảng 4.300 mét vuông”.

Giữa hai cách nói “hàng ngày có tới 35.000 trẻ em bị chết một cách vô ích” – một con số thống kê mà nhiều tổ chức phát triển quốc tế sử dụng, hay cách nói “mỗi ngày có 100 chiếc máy bay phản lực bị tai nạn, mỗi máy bay chở 350 trẻ em” – cách ví von mà UNICEF sử dụng để nói về tình trạng khẩn cấp này, bạn thấy cách nào hiệu quả hơn? Rõ ràng cách thứ hai sinh động hơn.

Nếu bạn buộc phải dùng đến những thuật ngữ chuyên môn, hãy cố gắng định nghĩachúng càng đơn giản càng tốt. Hãy sử dụng những từ ngữ thông dụng với thính giả. Hãy định nghĩa bất kỳ thuật ngữ nào không được sử dụng trong ngôn ngữ thông dụng. Điều này sẽ rất quan trọng nếu bạn nói chuyện với những người thuộc các quốc tịch khác nhau.

TÔI CÓ ĐƯỢC GHI BĂNG CUỘC PHỎNG VẤN KHÔNG?

Hãy thảo luận điều này với phóng viên phỏng vấn bạn. Nói chung thì bạn sẽ được phép ghi băng, và việc bạn yêu cầu điều này cũng là chuyện bình thường. Vì như thế, bạn sẽ có được một bản sao chính xác của cuộc phỏng vấn. Bạn có thể bật lại băng sau đó và luyện tập sao cho mình sẽ trả lời tốt hơn ở những cuộc phỏng vấn sau. Điều này cũng giúp cho những người làm cùng với bạn, những người không nghe được buổi phát thanh hay truyền hình, có cơ hội nghe lại buổi phỏng vấn sau này. Nếu có thể, hãy luyện tập trước ống kính hay với một máy ghi âm.

Không có nhận xét nào: